Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Lạc Dương
bụi hồng 倍紅
dt. dịch chữ hồng trần 紅塵, bụi đỏ, nghĩa ban đầu trỏ bụi bay do xe cộ đi lại. Ban Cố trong Tây Đô Phú có câu: “bụi hồng khắp nổi, mây khói cùng chen” (紅塵四合,烟醞相連 hồng trần tứ hợp, yên uẩn tương liên). Sau bụi hồng để trỏ chốn phồn hoa đô hội. Từ Lăng nhà trần đời Nam Triều trong Lạc Dương đạo ghi: “Dặm liễu ba xuân thẳm, bụi hồng bách trò xôn.” (緣柳三春暗,紅塵百戲多 duyên liễu tam xuân ám, hồng trần bách hý đa). Sau Đạo giáo và Phật giáo dùng chữ “bụi hồng” để trỏ cái nhân thế ô tạp khổ ải. Giả Trọng Danh trong bài Kim an thọ có câu: “Chàng bằng nay lên chốn mây đỏ, đến nơi cửa khuyết, bước chốn dao đài, so với cõi hồng trần hẳn là một lần cảnh giới.” (你如今上丹霄,赴絳闕,步瑤台,比紅塵中别是一重境界). Thân nhàn dạo khắp tây đông, đường tới mười thu khỏi bụi hồng. (Thuật hứng 62.2).
Kim Cốc 金谷
dt. đc. tên vườn trong biệt thự của Thạch Sùng 石崇 - một phú gia đời Tây Tấn, phụ cận thành Lạc Dương. Trong vườn Kim Cốc, Thạch Sùng trồng cây san hô, đốt nến thay củi, giăng lụa là dài năm mươi dặm, hạt tiêu trát vách, đó là ngôi vườn xa hoa và danh tiếng thời bấy giờ. Trong vườn, Sùng cho xây Thanh Lương đài 清凉台 để làm chốn thưởng gió. Vương Gia trong cuốn thập di ký chép: “Thạch Quý Luân (Sùng) nghiền hương trầm thuỷ cho vụn như bụi, rắc lên giường ngà, sai đám thê thiếp bước qua, ai bước khéo không để lại vết thì Sùng lấy chân châu thưởng cho.” (石季倫(崇)屑沉水之香如塵末,布象床上,使所愛者踐之,無迹者賜以真珠). Thạch Sùng từng viết bài thơ vương minh quân từ rất lấy làm đắc ý, bài ấy có đoạn như sau: “sát thân thật chẳng dễ, mặc kệ sống buông mình. Buông mình thì làm sao? nghĩ suy chi cho mệt.” (殺身良不易, 默默以苟生。苟生亦何聊, 積思常憤盈 sát thân lương bất dị, mặc mặc dĩ cẩu sinh. Cẩu sinh diệc hà liêu, tích tư thường phẫn doanh). Triết lý sát thân và cẩu sinh trong câu thơ đã vận vào đời Thạch Sùng. Vốn Thạch Sùng có một người thiếp yêu tên là Lục Châu. Khi ấy, triệu Vương Luân rất thích Lục Châu. Tôn Tú - tướng của Vương Luân đến nhà Sùng đòi bắt. Sùng không cho. Sùng ngầm mưu xui bọn Hoài Vương Doãn làm phản, đang ngồi họp rượu ở Thanh Lương đài thì quân của tú đã đến vây bắt, cả bọn đều bị tóm cả. Sùng lúc ấy nói với Lục Châu rằng: ‘ta vì nàng mà đắc tội’. Lục Châu rằng: ‘vậy thì thiếp sẽ chết trước mắt chàng’. Nói rồi, nhảy lầu xuống mà chết. Bọn Thạch Sùng bị Tôn Tú bêu ngoài chợ. Người đời gọi tấn kịch này là “Lục Châu chi nạn” và “Thạch Sùng chi hoạ” (xem Tấn Thư phần Thạch Sùng truyện). Đỗ Mục trong bài Kim Cốc viên viết: “phồn hoa tan tác bụi hương, vô tình nước chảy cỏ dường tự tươi. Chim chiều lạc gió xuân xuôi, hoa rơi như dáng người rơi xuống lầu.” (繁華事散逐香塵, 流水無情草自春。日暮東風怨啼鳥, 落花猶似墮樓人. Phồn hoa sự tán tRục hương trần, lưu thuỷ vô tình thảo tự xuân. Nhật mộ đông phong oán đề điểu, lạc hoa do tự đọa lâu nhân). (Trần tình 45.4)‖ Kim Cốc phong lưu nỡ để hoang, hôm mai uổng chịu nhọc toan đang. (Thuật hứng 55.1).
Lạc Dương 洛陽
dt. kinh đô cổ của Trung Quốc, nằm bên bờ sông lạc, nổi tiếng là cảnh đẹp vào mùa xuân và hoa mẫu đơn. Lạc Dương khách ắt thăm thinh nhọc, sá mựa cho ai quảy đến bên. (Tảo xuân 193.7).
Nghiêm Quang 嚴光
dt. (? - ?), vốn mang họ Trang, người đời sau vì kỵ huý vua Hán Minh Đế Lưu Trang mà cải họ, lại có tên là Tôn, tự là Tử Lăng , người Dư Diêu. Ông là người cùng học với Lưu Tú. Đời Đông Hán niên hiệu Kiến Vũ thứ nhất (25), Lưu Tú lên ngôi, tức Quang Vũ Đế, Nghiêm Quang bèn đổi họ đi ở ẩn ở bờ sông Phú Xuân (Đồng Lô, Hàng Châu, Chiết Giang), ngày ngày buông câu trên bờ, sau chỗ này gọi là nghiêm Tử Lăng điếu đài (đài câu Tử Lăng). Lưu Tú nhớ bạn hiền thuở xưa, sai người vẽ hình Tử Lăng cho tìm khắp thiên hạ, khi được tin liền sai sứ gióng xe ba lần vời về kinh đô Lạc Dương. Khi ấy có người quen cũ là hầu bá đang lĩnh chức tư đồ, sai người đến hỏi thăm, quang nói rằng: “Lòng nhân bỏ nghĩa thiên hạ vui, a dua theo chỉ thì sớm chết.” (懷仁輔義天下悦,阿諛順旨要領絕 hoài nhân phụ nghĩa thiên hạ duyệt, a du thuận chỉ yếu lĩnh tuyệt). Đến khi Lưu Tú đích thân tới thăm, Nghiêm Quang nằm không thèm dậy, vua bèn vỗ vào bụng nói, chà Tử Lăng, vì sao chẳng ra giúp ta? Tử Lăng hồi lâu mới giương mắt nhìn rồi đáp, kẻ sĩ vốn có chí, việc gì mà đến bức nhau thế? Lưu Tú đành lên xe về. Sau Quang Vũ Đế lại vời quang vào cung nói chuyện cũ, nằm chơi nói chuyện với nhau cả đêm. Tương truyền quang còn gác cả chân lên bụng vua. Vua định trao chức gián nghị Đại phu, nhưng Nghiêm Quang không chịu, lại về núi Phú Xuân cày cấy câu cá. Sau lại chuyển về quê, thọ tám mươi tuổi. Kham hạ Nghiêm Quang từ chẳng đến, Đồng Giang được nấn một đài câu. (Bảo kính 153.7). x. Tử Lăng.
thăm thinh 探聽
◎ Nôm: 探𱑠 (厂+咱), tục tự của 廳, thông với 聽. AHV: thám thính.
đgt. HVVD <từ cổ> thăm thú, âm đọc trại của thám thính (dò xét, nghe ngóng). Lạc Dương khách ắt thăm thinh nhọc, sá mựa cho ai quảy đến bên. (Tảo xuân 193.7).
Tô Tần 蘇秦
dt. (? - 316 tcn), tự quý tử 季子, người ở Lạc Dương nước đông chu, là một biện sĩ đi du thuyết thời chiến quốc, nổi tiếng về khả năng du thuyết. Tương truyền ông là học trò của thầy Quỷ Cốc Tử, bạn đồng môn với Trương Nghi. Ông là một trong những đại diện tiêu biểu của phái Tung Hoành Gia. Tô Tần đi nhiều nước đề xuất việc hợp tung liên kết các nước hàn, nguỵ, triệu, yên, tề, sở để chống lại nước tần. (Thuật hứng 66.7)‖ Khó khăn, phú quý, học Tô Tần, miễn đức hơn tài được mỗ phần. (Bảo kính 187.1).
Độc Lạc 獨樂
dt. đc. vườn Độc Lạc của Tư Mã Quang (còn gọi Tư Mã Ôn công) nhà sử học lỗi lạc đời Tống. Theo Lạc Dương danh viên ký thì trong khu vườn này của ông có một phòng đọc sách chứa đến hơn vạn cuốn. Từ Nguyên của chữ độc lạc vốn từ chương lương huệ vương hạ sách Mạnh Tử ghi: “Mạnh Tử hỏi rằng: một mình vui với nhạc, và vui nhạc cùng với người khác, cái nào vui hơn? rằng: chẳng bằng vui với người.” (獨樂樂,與人樂樂,孰樂?”曰:“不若與人). Léo chân nằm vườn Độc Lạc, chặm lều ở đất Nam Dương. (Tức sự 125.3).